Phân biệt nội gia, ngoại gia trong quyền thuật

Phân biệt nội gia, ngoại gia trong quyền thuật

01, August, 2016

BQT Nhà gỗ Bình Thước xin phép chia sẻ bài viết " Bàn về phân biệt Nội gia , Ngoại gia trong quyền thuật" cho mọi người cùng đọc. Bài viết dưới đây của danh sư Tôn Lộc Đường viết, được anh novice ( diễn đàn thaicucquyen.com) dịch. 

Bàn về phân biệt Nội gia, Ngoại gia trong quyền thuật

Tác giả : Tôn Lộc Đường

Lời người dịch Năm 1929, nhân dịp Giang Tô Quốc Thuật Quán phát hành tập san kỷ niệm 18 năm ngày thành lập, Đại sư Tôn Lộc Đường với tư cách Võ Đang trưởng môn trong quán đã góp bài tiểu luận này. Nội dung tiểu luận thuật lại những trao đổi với Tống Thế Vinh, một danh gia Hình Ý Quyền tại Sơn Tây 48 năm về trước. Theo lời Tôn Kiếm Vân, ái nữ của Đại sư Tôn Lộc Đường, vài tháng sau cuộc trao đổi về nội công và nội ngoại gia với Tống Thế Vinh kể trên, Đại sư Tôn Lộc Đường đạt đến cảnh giới hoàn hư. Nay xin giới thiệu cùng quý đồng đạo lời bàn của bậc danh sư với ước mong có người hữu duyên, ngộ tánh cao mau đạt thành công. Lời danh sư ngắn gọn, súc tích, hàm nghĩa uyên thâm nhưng trình độ Hán văn của người dịch thì có hạn nên chắc chắn có nhiều sai sót. Mong được chỉ bảo để chỉnh lý cho hoàn thiện. 

Ngày nay, người bàn về quyền thuật ai ai cũng phân Nội gia, Ngoại gia. Hoặc nói Thiếu Lâm là Ngoại gia, Võ Đang là Nội gia; hoặc bảo Phật môn là Ngoại gia, Lão giáo là Nội gia. Kỳ thực, tất cả chỉ là nhìn vào hình tướng bề ngoài. Tên gọi thì có phân ra Thiếu Lâm, Võ Đang nhưng thực thì không lấy đó mà chia Nội gia, Ngoại gia. Thiếu Lâm là chùa, Võ Đang là núi; quyền pháp gọi tên theo địa danh, tịnh không có cao thấp. So sánh đôi bên, việc tên gọi Thiếu Lâm nhiều người biết, Võ Đang ít người nghe cũng có nguyên do. Nhắc đến quyền thuật Thiếu Lâm Tự thì chi phái cực nhiều, danh mục cũng lắm, khắp nơi tương truyền, nghe quen biết rõ. Võ Đang thì không như thế, người luyện chỉ có một số ít, trong xã hội có người còn không biết Võ Đang nằm ở tỉnh nào, nói như thế cũng không phải là quá lời. Chiết Giang Trương Tòng Khê không phải là đích truyền của Võ Đang sao? Người kế thừa của Chiết Giang nhân sĩ họ Trương hiện nay, sao trước đây chưa từng nghe thấy? Mươi năm gần đây, người ta bắt đầu biết đến Võ Đang là quý rồi. Thiếu Lâm, Võ Đang một ẩn một hiện như vậy, sao lại vội chia nội ngoại một cách dễ dàng như thế ? Hay lại nói không chia nội, ngoại cách ấy mà căn cứ vào hình thế có cương nhu mà phán đoán ? Ấy là không biết rằng một đằng từ nhu mà luyện thành cương, một bề từ cương mà luyện thành nhu, cương nhu tuy phân, thành công lại là một. Người tập võ thuật dĩ Hòa chi dụng, trong Hòa gồm đủ Trung, Trí, Dũng vậy.

Tôi đã luyện quyền được mấy mươi năm. Lúc đầu cũng theo cái nhìn của thế tục, mỗi ngày tích khí vào đan điền, bụng dưới cứng như đá tảng, mỗi lần vận khí có thể đánh ngã người khác văng ra cả trượng. Đi, đứng, nằm, ngồi không có khi nào là không luyện khí như vậy. Tự bảo mình rằng tích khí trầm hạ, như vậy là đắc nội kình trong quyền thuật rồi. Những kẻ không có khả năng trầm khí đan điền thì tất thảy đều là Ngoại gia. Một ngày nọ, nhân vì có ước hẹn từ trước với Sơn Tây Tống Thế Vinh tiền bối, tôi khăn gói lên đường. Sau khi hàn huyên, nhân hỏi việc phân biệt Nội gia, Ngoại gia, Tống tiên sinh bảo “ Hô hấp thì có chia ra trong, ngoài nhưng quyền thuật thì không phân biệt nội, ngoại. Kẻ khéo dưỡng khí tức là Nội gia, người không khéo dưỡng khí là Ngoại gia. Câu nói rằng “ thiện dưỡng hạo nhiên chi khí” thực là vạch rõ tinh túy Nội gia. Công dụng của quyền thuật là “dĩ động cầu tĩnh”, tác dụng của tọa công là “ do tịnh cầu động”. Kỳ thực trong động có tĩnh, trong tĩnh có động, cùng trong một bản thể, không thể chia hai. Do vậy mà nói, tĩnh đến cực thì động, động đến cực thì tĩnh, động tĩnh tương sanh. Nhược bằng đem phân chia nội ngoại tách bạch tức là “sai một ly đi một dặm”. Ta nói hô hấp có chia nội ngoại bởi truớc hết cầu thông. Thông và bất thông, phân chia như thế nào ? Những kẻ mới luyện quyền hay những người không biết thì hô hấp dừng lại ở phần giữa, đi ngược trở lại, dội lên trên. Như vậy gọi là hô hấp bất thông. Cực kỳ tệ hơn nữa là sanh ra nóng nảy, hung hãn. Đó là do hỏa khí cương quá nên nóng mà như vậy. Ngược lại, hô hấp đi xuống sâu, xa đến tận đan điền thì tâm thận tương giao, thủy hỏa tương tế, hỏa khí không bốc lên, hô hấp khả dĩ tự nhiên, không dội ngược lên trên. Như thế gọi là nội ngoại tương thông, thượng hạ tương thông, khí tự hòa thuận, hô hấp đạt đến phần dưới. Khí là một, ngộ nhận thành ra hai, dẫn đến cái tệ bất thông. Tử Dư viết “Cầu an tâm, an tâm rồi thì sau đó đạo sanh”cũng tức là cái lý của Đạo gia.” Tôi hỏi “Như kẻ hèn này có thể gọi là đắc được nội kình trong quyền chăng ? Toàn bộ khí hạ trầm, bụng dưới cứng như đá vậy.” Tống tiên sinh đáp “Không ! Không! Ngươi tuy khí đã thông tới bụng dưới nhưng không hóa cứng thì kết quả tất bị lụy, chưa gọi là thượng thừa được.” Tôi bèn hỏi làm sao để hóa giải. Tiên sinh đáp “ Có tức là không, thực tức là hư. Bụng còn cứng tức là chưa phải chân đạo. Mạnh Tử nói “vì nhân nghĩa mà làm, không làm nhân nghĩa”. Sách “Trung Dung” luận công dụng của trung dung. Nên biết lời nói người xưa, tất thảy có chỗ dùng. Quyền thuật trọng trung hòa , cũng trọng nhân nghĩa. Nếu không biết cái lý này, có luyện được nhanh như chim bay , sức cử nổi ngàn cân bất quá cũng chỉ là cái dũng của kẻ thất phu, không ra khỏi Ngoại gia. Nhược bằng có người luyện đến trung hòa, khéo giảng giải nhân nghĩa, động tác có lễ tiết, thấy việc nghĩa là làm, người đó cho dù không có được sức cử trăm cân cũng vẫn là Nội gia. Kíp luyện khí công thâm hậu, xem rõ trong ngoài, nhận xét có không, chí đại chí cương, thẳng thắn vô hại, biết gói biết mở, cách dùng rộng rãi nguyên lý tinh vi. Người xưa nói “vật là thái cực, vật là âm dương”. Bên trong con người là khí trung hòa thiên địa, há chẳng phải là thái cực sao ? Kinh Dịch viết “ cận thủ chư thân, viễn thủ chư vật”, trong tâm có cái lý trọn vẹn, bề ngòai là lý thể hiện tâm, nội ngoại chỉ một lý mà thôi.”. Tôi nghe lời dạy của tiên sinh, mới biết quyền đạo cũng chính là thiên đạo, thiên đạo tức nhân đạo. Lại biết hình thế của quyền tuy có khác, lý chỉ là một. Những người còn chia nội ngoại thực là sở kiến chưa thấu đáo, chưa nhận thức rõ cái lý. Từ đó mà suy, ngôn ngữ cần phải ôn hòa, động tác cần phải tự nhiên. Người ta lập thân xử thế, bề trong phải thành thật rồi mới tới bề ngoài. Sao chỉ có quyền thuật phải khác biệt.chứ. Cứ lấy ví dụ các danh tướng xưa nay như Quan Vân Trường, Nhạc Vũ Hầu mà xem, các vị đều biết Xuân Thu đại nghĩa, giảng Lễ Nghĩa trau dồi Thi, Thư, đến ngàn sau vẫn còn được người người kính ngưỡng, sùng bái. Nếu chỉ mở mang đất đai bờ cõi, sanh con cháu đầy đàn thì bất quá cũng chỉ lưu danh là dũng sĩ.

Một đằng là nội ngoại hòa hợp, trước sau tinh thô không chỗ nào không đến, một đằng là khách khí, tự mình chuốc lấy đau buồn, lấy làm bùi ngùi. Tống tiên sinh lại nói “Quyền thuật có thể làm thay đổi khí chất con người.” Tôi tự vấn thấy mình vẫn chưa có khả năng làm được hết, còn có chỗ phụ lời giáo huấn của tiền bối. Nhân Giang Tô Quốc Thuật Quán phát hành tập san kỷ niệm 18 năm thành lập, tôi đang làm việc trong hội quán, cũng đã được hai năm, tài hèn sức mọn, ngồi không mà phê phán, nay lược thuật lại lời dạy của tiền nhân mà tự lấy làm hổ thẹn.

( Tôn Lộc Đường Võ Học Lục , NXB Nhân Dân Thể Dục, Bắc Kinh, 2001. p.p. 377 – 380)

Quý khách có thể truy cập trực tiếp vào địa chỉ website : http://nhagobinhthuoc.com/ để biết thêm chi tiết giá nhà sàn đẹp và mộc nhân vịnh xuân quyền hoặc liên hệ trực tiếp để nhận được sự tư vấn tận tình nhất:

Add: KM 11 - Xóm 2 - Huyện Yên Sơn - Tỉnh Tuyên Quang

SĐT: 0976 279 300

 

 

TAGS :